Bệnh võng mạc là bệnh gì? Có những loại nào thường gặp?
1. Bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường mắc phải do những biến chứng của bệnh tiểu đường. Đây là một biến chứng về mắt có thể dẫn đến mù lòa. Bệnh sẽ thuyên giảm nếu như được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu bị bệnh tiểu đường càng lâu, đường huyết càng cao thì bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường càng cao, mức độ càng nặng.
Tăng sinh võng mạc phát triển trên nền võng mạc là nguyên nhân chính gây mất thị lực ở bệnh nhân bị tiểu đường. Ở giai đoạn này, các mạch máu mới phát triển trên bề mặt võng mạc và tế bào thần kinh thị giác. Những tân mạch này có đặc điểm rất dễ vỡ. Khi vỡ thành mạch, máu có thể chảy vào võng mạc và dịch kính. Trong giai đoạn muộn hơn của bệnh võng mạc tiểu đường các mạch máu bất thường và mô sẹo võng mạc tiếp tục phát triển có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như co kéo gây bệnh bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp.
Để biết mình có mắc bệnh võng mạc tiểu đường hay không, người bệnh nên đi khám sàng lọc tiểu đường, khám mắt, soi đáy mắt, chụp huỳnh quang đáy mắt (FFA) nhằm hỗ trợ phát hiện sớm các thương tổn của bệnh võng mạc tiểu đường.
Với bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh, thị lực của bệnh nhân có thể mờ và mất hoàn toàn khả năng cảm nhận ánh sáng do xuất huyết. Bệnh này thường không có triệu chứng, nên người bệnh tiểu đường cần phải sàng lọc bệnh võng mạc ngay khi phát hiện mắc tiểu đường và định kỳ thăm khám tại các cơ sở khám bệnh chuyên khoa mắt nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh trường hợp bệnh diễn biến phức tạp mới được chữa trị.
2. Bệnh lý bong võng mạc
Bệnh lý bong võng mạc là tình trạng võng mạc bị bong ra khỏi lớp mô ở đáy mắt. Đây là bệnh lý nặng trong nhãn khoa nói chung và là biến chứng nặng của chấn thương nhãn cầu nói riêng . Nếu không được điều trị kịp thời, bong võng mạc sẽ gây mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh lý bong võng mạc nguyên phát xuất hiện do dịch kính ở trên bề mặt võng mạc hóa lỏng, chui qua các vết rách võng mạc (xuất hiện do võng mạc bị thoái hóa)
Bệnh lý bong võng mạc thứ phát xuất hiện sau một bệnh lý khác của mắt (như: bệnh võng mạc đái tháo đường, viêm hắc mạc, cận thị nặng...).
Bệnh lý bong võng mạc có thể xảy ra đối với các trường hợp bị chấn thương (chấn thương kín, vết thương xuyên nhãn cầu, vỡ nhãn cầu ...)
Bệnh lý bong võng mạc không gây đau đớn, chỉ gây rối loạn thị giác và giảm thị lực. Vì không gây đau đớn nên đa số mọi người còn khá chủ quan và không chú ý khi bị bong võng mạc. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh lý bong võng mạc đó là thị lực bị giảm dần cho đến mất hẳn thị lực.
Nếu đột nhiên thấy xuất hiện các đốm đen lơ lửng trước mắt (giống như ruồi bay) hoặc thấy các tia chớp sáng lóe lên cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý bong võng mạc. Khi đó người bệnh cần đễn bệnh viện có chuyên khoa mắt để khám, tư vấn điều trị kịp thời.
3. Bệnh võng mạc tăng huyết áp
Các biến chứng dễ gặp ở mắt do tăng huyết áp bao gồm bệnh võng mạc tăng huyết áp bao gồm: Tắc nhánh động mạch võng mạc, tắc động mạch trung tâm võng mạc, tắc nhánh tĩnh mach võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc và phình mạch lớn của động mạch. Thiếu máu cục bộ do tắc mạch có thể dẫn đễn tân mạch võng mạc, xuất huyết trước võng mạc và dịch kính, màng trên võng mạc, bong võng mạc do co kéo. Bệnh võng mạc tăng huyết áp có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không hồi phục.
Bệnh võng mạc tăng huyết áp tiến triển qua nhiều giai đoạn, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, với đèn soi đáy mắt hoặc chụp đáy mắt các bác sỹ phát hiện các mảng xám hoặc khu vực màu trắng của võng mạc. Những khu vực này trở nên nhợt nhạt vì chúng không được cung cấp đủ máu. Bác sĩ cũng có thể nhìn thấy xuất huyết từ hệ thống mạch máu bị vỡ hoặc phù nề của võng mạc hay thị thần kinh.
Ở người đã bị bệnh võng mạc tăng huyết áp, do tiểu đường sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Kiểm soát huyết áp là phương pháp để hạn chế các biến chứng. Đồng thời người bệnh tăng huyết áp nên kiểm tra mắt thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi được mức độ nặng của huyết áp để có biện pháp phòng ngừa, điều trị tích cực.
4. Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non
Bệnh võng mạc của trẻ đẻ non (ROP), trước kia được gọi xơ sản sau thể thủy tinh là một bệnh võng mạc tăng sinh của những trẻ đẻ non và thiếu cân (thai dưới 36 tuần hoặc cân nặng khi sinh dưới 2000gam)
Võng mạc là lớp trong cùng của mắt, nhận ánh sáng và chuyển thành thông tin, đưa lên não. Mạch máu nuôi võng mạc chỉ phát triển hoàn thiện ở trẻ sơ sinh đủ tháng. Vì vậy, trẻ đẻ càng non thì số mạch máu đã phát triển càng ít. Ở một số trẻ đẻ non, nhất là trẻ quá nhẹ cân, mạch máu võng mạc phát triển bất thường. Tỷ lệ bệnh càng cao nếu trẻ sinh càng non tháng và càng nhẹ cân.
Giai đoạn đầu, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non không thể hiện ra ngoài. Chỉ đến giai đoạn cuối mới thấy con ngươi mắt của trẻ bị trắng đục. Thường với những trẻ sơ sinh đẻ non, thiếu cân nên khám để phát hiện bệnh vào tuần thứ 7-9 sau khi sinh.và khám lại sau 3-6 tháng tuổi. Cần đặc biệt chú ý những trẻ có cân nặng khi sinh là 1000 gam hoặc ít hơn cần khám lại 2 tuần 1 lần
Trong đa số trường hợp, các mạch máu bất thường sẽ tự lành (khoảng 90%). Ở một số trẻ, các mạch máu này chỉ khỏi một phần, dẫn đến hiện tượng cận thị hoặc lác mắt sau này. Đôi khi, bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non để lại sẹo ở võng mạc, khiến thị lực giảm. Trường hợp nặng, mạch máu võng mạc tiếp tục phát triển bất thường và tạo thành mô sẹo gây co võng mạc, kéo nó khỏi vị trí bình thường, dẫn tới giảm thị lực trầm trọng.
Hiện nay phương pháp điều trị bệnh võng mạc bằng laser đã mang lại kết quả rất khả quan. Hiệu quả của điều trị tốt hơn nếu bệnh được phát hiện sớm và bé bị bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, với hình thái nặng, kết quả điều trị kém hơn.
Mục đích laser làm diệt các vùng võng mạc bất thường, diệt các tân mạch và điều trị phù hoàng điểm, võng mạc. Tuy nhiên các loại laser thông dụng hiện nay còn tồn tại những nhược điểm như khó kiểm soát được năng lượng laser dẫn đến tổn thương những vùng võng mạc không cần điều trị, gây sẹo hóa rộng, làm giảm thị lực chu biên, giảm cảm nhận màu sắc và thị lực ban đêm. Ngoài ra, laser từng nốt đơn lẻ làm thời gian điều trị kéo dài, gây đau nhiều cho bệnh nhân bệnh võng mạc.